15 sự thật thú vị về sự phát triển của trẻ sơ sinh cần biết
Tiếng tim đập, tiếng đồng hồ, tiếng suối chảy, tiếng thác nước, tiếng biển động, tiếng máy sấy,…
Trẻ sơ sinh phản ứng nhanh với các tiếp xúc ngoài da, có nhịp tim nhanh gấp 2 lần người lớn. Còn gì nữa mẹ nhỉ? Cập nhật ngay 15 sự thật thú vị khác về sự phát triển của trẻ sơ sinh để biết cách chăm sóc con tốt hơn, mẹ nhé!
Sự phát triển của trẻ sơ sinh: Những điều mẹ chưa biết
Hiểu rõ về sự phát triển của trẻ sơ sinh giúp mẹ không cảm thấy bỡ ngỡ khi chăm sóc bé
1. Ngoài ăn và ngủ, khóc là hành động thường thấy nhất ở trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, mẹ sẽ rất ngạc nhiên khi biết rằng trẻ sơ sinh không hề chảy nước mắt trong 3-6 tuần đầu tiên sau khi chào đời. Thậm chí, nhiều trẻ không chảy nước mắt cho đến khi được 4-5 tháng tuổi.
2. Trong vòng 6 tháng đầu sau khi sinh, tóc của bé sẽ rụng dần và nhanh chóng thay tóc mới. Màu tóc mới có thể sẽ hoàn toàn khác với màu tóc ban đầu.
3. Mặc dù trẻ vẫn ăn, ngủ bình thường nhưng trong những tuần đầu tiên sau sinh, mẹ có thể nhận thấy cân nặng của trẻ sơ sinh giảm 10% so với cân nặng lúc mới sinh. Điều này hoàn toàn bình thường, mẹ không cần quá lo.
Trẻ 6 tháng tuổi có thể đạt trọng lượng gấp đôi so với lúc mới sinh, và có cân nặng gấp 3 lần khi trẻ được 12 tháng tuổi.
4. Trẻ sơ sinh có khướu giác rất phát triển. Ngay trong tuần tuổi đầu tiên, trẻ sơ sinh đã có thể nhận ra mẹ qua mùi hương quen thuộc.
5. Không chỉ khướu giác, thính giác của trẻ sơ sinh ngay từ lúc mới chào đời đã rất tinh nhạy, đặc biệt với giọng nữ. Bé có thể phân biệt rất nhanh nhiều loại âm thanh khác nhau.
6. Thị giác của trẻ sơ sinh phát triển tương đương với người lớn, nhưng khả năng xử lý của não bộ lại kém hơn. Đó là nguyên nhân tầm nhìn của trẻ chỉ giới hạn trong khoảng 30-40cm.
7. Tuy nhỏ hơn, nhưng trẻ sơ sinh lại có nhiều xương hơn hẳn người lớn. Bé có khoảng 300 cái xương, trong khi người lớn chỉ có khoảng 206 cái. Điều này là do trong quá trình phát triển của trẻ, xương ở nhiều chỗ có xu hướng nối dính lại với nhau.
8. Không có xương bánh chè, trẻ sơ sinh chỉ có 1 phần sụn nhỏ trong suốt 6 tháng đầu đời. Nhưng cũng nhờ vậy, trẻ sẽ không cảm thấy đau nếu lỡ đập gối xuống sàn, bởi phần lực va đập đã được phần sụn mềm giảm bớt.
9. Nhịp tim của trẻ sơ sinh đập nhanh gấp 2 lần người lớn, khoảng 130-160 lần/phút.
10. Nhịp tim nhanh, hơi thở của trẻ sơ sinh vì thế cũng nhanh hơn, khoảng 30-50 lần/phút, trong khi của người lớn chỉ tầm 15-20 lần/phút.
11. Trẻ sơ sinh thường hắt hơi và khịt mũi để làm sạch đường mũi. Phải một thời gian lâu sau, trẻ mới biết cách thở bằng miệng khi bị nghẹt mũi. Để hạn chế tối đa các vấn đề về hô hấp cho trẻ, mẹ nên cố gắng giữ không khí quanh bé sạch sẽ, ít bụi bặm và khói thuốc.
Vệ sinh mũi cho trẻ sơ sinh có thể trở thành một cuộc chiến cam go cho mẹ. Nửa muốn thật nhẹ nhàng cho con, nửa lại sợ làm như thế không đủ sạch, mẹ sẽ phải làm gì để cửa ngõ của hệ hô hấp lúc nào cũng sạch sẽ?
12. Mặc dù trẻ sơ sinh thừa hưởng khả năng miễn dịch cũng như kháng khuẩn từ sữa mẹ, nhưng bé rất dễ bị cảm lạnh. Vì thế, ngoài chăm sóc giữ ấm, mẹ nên tìm mọi cách để nguồn bệnh không có cơ hội tiếp cận bé.
13. Trẻ sơ sinh phản ứng nhanh với các tiếp xúc ngoài da. Điều này kích thích sự sản sinh các hormone tăng trưởng, đồng thời giúp cơ thể phản ứng nhanh với các hormone này. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng trẻ sinh non tiếp xúc thường xuyên với nhiều người tăng cân hơn 47% so với những trẻ sinh non khác.
14. Trẻ thường dễ bồn chồn, thậm chí sợ các thức ăn lạ. Để hạn chế điều này, mẹ nên cho bé tập làm quen với đồ ăn trước khi bắt đầu cho ăn. Mẹ có thể cho một chút thức ăn lên ngón trỏ của bé, rồi từ từ đút ngón trỏ vào miệng bé, đây là một cách để khuyến khích trẻ thử món ăn mới.
15. Để trẻ ngủ ngon hơn, đôi khi mẹ cần tạo chút tiếng động làm nền. Một vài âm thanh giúp bé thư giãn và dễ ngủ hơn: Tiếng tim đập, tiếng đồng hồ, tiếng suối chảy, tiếng thác nước, tiếng biển động, tiếng máy sấy,…
Thêm thông tin thú vị về sự phát triển của trẻ sơ sinh:
– Bé thích nhìn các đường cong hơn đường thẳng.
– Không hề mù màu như cách nghĩ của nhiều người, trẻ sơ sinh thường thích những màu cơ bản, đặc biệt là màu đỏ và màu xanh dương.
– So với những tháng khác, trẻ sinh vào tháng 5 có cân nặng trung bình lúc chào đời nặng hơn khoảng 200gr.
– 80% trẻ sơ sinh đều có vết bớt, phổ biến nhất là vết nước lan hoặc vết cò mổ.
– Lượng hồng cầu trong máu cao, nên dù có màu da thế nào, tất cả trẻ em sinh ra đều có nước da hồng hào.
Leave a Reply